Nếu coi hiệu quả của một chiến dịch Marketing Online cũng giống như cách vận động viên Marathon hoàn thành chặng đường 42 km thì tôi cam đoan với bạn rằng, đây không phải là một nhiệm vụ dễ dàng với bất kỳ “chân chạy” hay doanh nghiệp nào. Để có thể tiến bước và về đích theo đúng mục tiêu, bạn buộc phải có thời gian chuẩn bị, phải có quá trình khởi động rồi mới tăng tốc và về đích. Song song trên suốt chặng đường đó, bạn cũng cần phải giữ vững ý chí, niềm tin và sự cam kết theo đuổi mục tiêu đến cùng.
Vậy chặng đường này sẽ kéo dài bao nhiêu lâu, và sẽ ngốn của doanh nghiệp bạn bao nhiêu tiền? Nó sẽ là một tháng, một năm hay mười năm? Nó sẽ tốn 10 triệu, 100 triệu hay cả tỷ đồng?
Erik Huberman – nhà sáng lập kiêm CEO Hawke Media tại Los Angeles đã từng chia sẻ, bạn không thể thấy lợi nhuận từ digital marketing nếu chỉ “bỏ ra” một khoảng thời gian quá ngắn. Việc đòi hỏi có được kết quả ngay lập tức sau khi rót vốn sẽ khiến toàn bộ chiến dịch của bạn sai hướng và tất cả những việc bạn làm đều sẽ thất bại. Đây là một cuộc đua mệt mỏi nhưng nếu kiên trì và về đích, bạn sẽ nhận thấy tất cả những gì đã đầu tư là hoàn toàn xứng đáng.
Để biết được khoảng thời gian ít nhất mà bạn cần có nhằm phục vụ cho chiến dịch Online Marketing (Internet Marketing) thương hiệu, chúng ta hãy cùng bắt đầu với bài toán sau.
Thời gian khảo sát thị trường và lập kế hoạch
Xác định đối tượng khách hàng, thói quen tiêu dùng, đối thủ trực tiếp… của một ngành hàng chưa bao giờ là việc dễ dàng. Đối với phương thức kinh doanh truyền thống, việc làm này có thể mất tới vài tháng, thậm chí là vài năm.
Ngược lại, trên môi trường Online, hoạt động này thường chỉ mất khoảng vài tuần. Bằng những phương pháp tiếp cận, nghiên cứu, đánh giá nhờ vào những ứng dụng công nghệ, các chuyên gia có thể biết tương đối chính xác đối thủ, đối tượng khách hàng cũng như xu hướng, thói quen tiêu dùng trong nhóm ngành.
Từ kết quả khảo sát thu được, chúng ta sẽ chỉ cần thêm 1 – 2 tuần nữa để hoàn thiện kế hoạch triển khai và sẵn sàng bước vào “cuộc chiến”.
Bước khởi động và chạy đà
Trong định nghĩa về thành công của thương hiệu, bước thứ 2 này sẽ thuộc về cột mốc “được khách hàng nhận biết” (xét từ góc độ khách hàng) và “khả năng bán hàng dễ hơn bình thường” (xét từ góc độ giá trị thương hiệu)
Căn cứ vào những yếu tố trên, doanh nghiệp sẽ phải “phủ” tất cả những gì mình có lên internet. Từ những thông tin cơ bản như giới thiệu sản phẩm, hướng dẫn sử dụng, hướng dẫn mua hàng cho tới những đánh giá, review… đều phải được chuẩn bị kỹ lưỡng. Lúc này, yêu cầu về mặt thông tin là đảm bảo đúng, đủ và dồi dào và liên tục. Cùng với đó, bất kỳ lúc nào, bất kỳ khách hàng nào với bất kỳ câu hỏi nào liên quan tới sản phẩm cũng đều có thể tìm thấy câu trả lời trên internet.
Để hoàn thành giai đoạn này, bạn sẽ phải cần ít nhất từ 3 – 4 tháng.
Tăng tốc và chinh phục khách hàng
Việc tăng tốc và chinh phục khách hàng đòi hỏi bạn phải có những hoạt động cụ thể, chi tiết. Đây có thể được xem là những chiến dịch nhỏ hơn đánh vào từng nhóm khách hàng hoặc nâng cao vị thế thương hiệu ở một tầm mới.
Trong nấc thang đo sự thành công của thương hiệu trên Internet, giai đoạn này sẽ giúp doanh nghiệp được khách hàng thấu hiểu & lựa chọn (xét từ góc độ khách hàng) và khả năng bán hàng cao hơn bình thường (xét về giá trị thương hiệu)
Muốn thu được kết quả trong giai đoạn này, bạn sẽ cần ít nhất từ 15 – 18 tháng
Khách hàng trung thành giới thiệu khách hàng, thương hiệu đạt tới “điểm giới hạn của doanh thu”.
Đây là giai đoạn bán hàng mà mọi doanh nghiệp đều muốn hướng tới. Vào thời điểm này, nhóm khách hàng trung thành thực sự sẽ bắt đầu chi tiêu nhiều tiền cho thương hiệu của bạn hơn so với các thương hiệu cạnh tranh. Đồng thời, chính bản thân họ cũng sẽ là một “người bán hàng” gián tiếp khi chia sẻ, giới thiệu bạn với các khách hàng khác.
Để đạt đến cột mốc này, bạn sẽ phải bỏ ra ít nhất 5 năm. Điều này nghe có vẻ rất dài và mờ mịt. Tuy vậy, thay vì coi các khách hàng đơn giản chỉ là khách hàng, hãy biến họ thành những người bạn – những người mà bạn tự tin rằng sẽ đi với bạn trên chặng đường dài của cuộc sống.
Như vậy có thể thấy, để giúp thương hiệu của mình thành công trên internet, doanh nghiệp sẽ mất khoảng 21 – 24 tháng. Con số này cũng trùng khớp với những gì mà các chuyên gia Marketing công bố qua các cuộc khảo sát thị trường.
Cụ thể, theo tạp chí Entrepreneur trong một cuộc khảo sát thị trường cho biết, bạn phải mất hai năm trước khi khách hàng tin tưởng thương hiệu của bạn – hoặc chi tiết hơn, hai năm cho một khách hàng xem thương hiệu của bạn là một trong trong những thứ thể dựa vào. Cuộc khảo sát này được thực hiện bởi sự tham gia của khách hàng công ty SDL, nơi đã tiến hành thu thập dữ liệu từ 2.835 người dân tại 6 lục địa, 9 thị trường, 5 ngôn ngữ và 4 thế hệ khách hàng.
2 năm dành cho định vị thương hiệu trên internet, vậy số tiền bạn cần bỏ ra là bao nhiêu?
Lại tiếp tục là một câu hỏi khó cần được trả lời. Trên thực tế, sẽ chẳng có một mẫu số chung nào được đưa ra. Nói một cách khác, ngân sách này sẽ tuỳ thuộc vào chính bạn.
Theo các chuyên gia về Marketing, thông thường để xác định ngân sách dành cho Marketing nói chung và Marketing Online nói riêng, doanh nghiệp có thể dựa vào một trong bốn yếu tố hoặc kết hợp cả bốn yếu tố sau:
Thứ nhất, đó là đối sánh với đối thủ cạnh tranh. Điều này không có nghĩa là bạn cứ bỏ nhiều tiền hơn đối thủ là sẽ thành công hơn. Tuy nhiên, bạn cũng cần cân nhắc việc đầu tư quá ít thì sẽ rất khó để bắt kịp. Muốn tiến tới ngang bằng và vượt trội trước đối thủ, bạn cần có khoản đầu tư tương xứng.
Cách thứ 2 là dựa vào doanh thu theo tháng, năm của sản phẩm/doanh nghiệp. Cách này có vẻ đơn giản hơn rất nhiều, nhất là đối với những doanh nghiệp đã chinh chiến nhiều năm. Thậm chí với những doanh nghiệp đã tạo được tiếng tăm từ Marketing, ngân sách cho công việc này sẽ luôn tăng từ liên tục qua các giai đoạn và không có “khái niệm” cắt giảm hay dừng lại.
Cách thứ ba mà doanh nghiệp có thể áp dụng đó là xác định tỷ lệ chi ngân sách cho các phòng ban. Ngân sách có thể được dựa trên nguồn lực hiện có, mục tiêu tăng trưởng, chi phí đã triển khai… Số tiền này có thể chiếm khoảng 2%, 10% hay có thể trên 20% trên tổng vốn đầu tư của doanh nghiệp.
Cách thứ 4 và cũng là cách mà không phải doanh nghiệp nào cũng dám áp dụng, đó là xác định ngân sách dựa trên kỳ vọng. Cách xác định này có phần nào đó giống với cách thứ nhất nhưng mang một chút mạo hiểm. Ví dụ, nếu doanh nghiệp muốn tăng gấp 200% doanh thu thì việc ngân sách đầu tư cũng phải tăng gấp 2, gấp ba, thậm chí gấp nhiều lần so với trước đó.
Từ những cách thức trên, chắc hẳn bạn đã phần nào mường tượng ra số tiền mà doanh nghiệp mình cần phải chi để có được những chiến dịch tiếp thị phù hợp. Dưới đây, chúng tôi sẽ chia sẻ cho các bạn một vài con số tham khảo mà các doanh nghiệp tại Mỹ đầu tư cho Marketing.
Như vậy, nếu doanh thu của doanh nghiệp bạn hàng năm là 100 tỷ thì số tiền bạn cần bỏ ra là khoảng 8 tỷ đồng cho Marketing. 8 tỷ này sau đó sẽ được cân đối cho các chiến dịch Online, Offline theo định hướng của doanh nghiệp. Nếu coi tỷ lệ này là 50 – 50 thì số tiền chi cho Online Marketing trong 1 năm sẽ là khoảng 4 tỷ đồng.
Cũng cần phải lưu ý rằng trước khi đưa ra quyết định ngân sách, doanh nghiệp cũng cần phải cân nhắc kỹ các yếu tố liên quan tới lĩnh vực, đối thủ, triển vọng thị trường… Một vài doanh nghiệp có thể giảm ngân sách tiếp thị tới 1-2% như các doanh nghiệp phi Chính phủ, trong khi một số doanh nghiệp khác thì có thể tăng 1-3% như các doanh nghiệp trong lĩnh vực B2B hoặc B2C.