Những lầm tưởng về dịch vụ Digital Marketing khiến nhiều người bỏ lỡ cơ hội tiếp cận khách hàng tiềm năng và phát triển công việc kinh doanh của mình.
Từ khi được phổ biến rộng rãi vào đầu những năm 2000, Digital Marketing đã liên tục phát triển không ngừng và dần trở thành một xu hướng Marketing dẫn đầu. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại những lầm tưởng về bản chất và vai trò của tiếp thị kỹ thuật số. Điều này khiến không ít người bỏ qua cơ hội mở rộng kinh doanh của họ bằng hình thức Marketing này. Trong bài viết sau, chúng ta sẽ cùng làm rõ 8 lầm tưởng thường gặp về dịch vụ Digital Marketing nhé.
Digital Marketing có thể thay thế Traditional Marketing
Phải công nhận rằng tiếp thị kỹ thuật số đã tạo ra nhiều thay đổi đột phá trong cách làm Marketing hiện đại. Sự xuất hiện của Digital Marketing tạo thêm môi trường Marketing mới. Bên cạnh môi trường vật lý của Traditional Marketing. Đồng thời, nó cũng góp phần hình thành các công cụ (Display Ads, Social Media, SEM…) để tiếp cận khách hàng mục tiêu trên môi trường đó.
Tuy nhiên, cần phải khẳng định Digital Marketing sẽ không thể “thay thế” Traditional Marketing. Trên thực tế, ngân sách dành cho các hình thức Marketing truyền thống vẫn chiếm ưu thế trong tổng ngân sách Marketing của nhiều doanh nghiệp.
Lấy ví dụ đơn giản, các nhãn hàng dược phẩm, điện lạnh vẫn đua nhau chạy TVC trong giờ cao điểm. Ra đường thì vô số các nhãn hàng điện tử, mẹ và bé hay nước giải khát tranh nhau vị trí đặt biển quảng cáo ở khu vực trung tâm. Chừng nào khách hàng vẫn còn ở “môi trường truyền thống” thì hình thức này vẫn tiếp tục phát triển. Và nó có vai trò không thể thay thế trong chiến lược truyền thông của doanh nghiệp.
Việc của người làm dịch vụ Digital Marketing là cần hiểu rõ ưu nhược điểm của các hình thức Marketing, từ đó linh động vận dụng chúng trong hoàn cảnh thích hợp để đem lại hiệu quả cao nhất cho doanh nghiệp.
Digital Marketing = Online Marketing
Digital Marketing (tiếp thị kỹ thuật số) và Online Marketing (Tiếp thị trực tuyến) là hai khái niệm rất hay bị nhầm lẫn với nhau. Nhiều người cho rằng đã là dịch vụ Digital Marketing thì chắc chắn phải làm trực tuyến trên Internet. Tuy nhiên, quan niệm về tiếp thị kĩ thuật số này không hoàn toàn chính xác.
Để dễ dàng phân biệt, chúng ta hãy cùng “mổ xẻ” các khái niệm này nhé:
Digital Marketing
Đề cập đến việc sử dụng các kênh, thiết bị và nền tảng kỹ thuật số (bất kể chúng có trực tuyến hay không) để xây dựng hoặc quảng bá thông điệp tiếp thị của doanh nghiệp.
Nói cách khác, với Digital Marketing, bạn không giới hạn mình trong việc sử dụng Internet. Ví dụ: Giả sử bạn muốn chạy một chiến dịch quảng bá chương trình khuyến mãi của công ty bằng SMS trên điện thoại di động. Ở đây, rõ ràng là bạn đã ứng dụng công nghệ vào hoạt động Marketing. Nhưng khách hàng không cần kết nối Internet để nhận được SMS.
Online Marketing
Cũng được gọi là Internet Marketing, là một thành phần quan trọng của Digital Marketing. Đặc điểm chính của Online Marketing là yêu cầu bạn và khách hàng kết nối Internet. Các hoạt động Marketing thuộc nhóm này bao gồm SEO, PPC, Social Media,..
Biết được sự khác biệt giữa hai khái niệm này có thể giúp bạn định hình chiến lược tiếp thị tổng thể của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, nó cũng giúp bạn phân tích chiến lược Marketing hiện tại bằng cách phân loại đúng các hoạt động tiếp thị mà công ty đang muốn sử dụng để tiếp cận khách hàng mục tiêu.
Dịch vụ Digital Marketing giúp bạn dễ dàng tăng doanh thu nhiều lần
“Chạy quảng cáo Facebook – trăm đơn mỗi ngày”, “Làm SEO hiệu quả X3 doanh thu trong tháng”… Đây chỉ là hai trong số hàng ngàn những lời quảng cáo “đường mật” khiến bạn nhanh chóng… sa bẫy. Bây giờ, hãy hít thở thật sâu và tỉnh táo lại một chút. Không có kết quả tốt đẹp nào lại đến quá dễ dàng và nhanh chóng. Marketing cũng vậy.
Bất cứ hoạt động Marketing nào cũng sẽ chỉ phát huy hiệu quả nếu bạn áp dụng đúng cách. Tuy nhiên, phải nói rằng Digital Marketing có rất nhiều ưu điểm, chẳng hạn như:
- Tiết kiệm chi phí Marketing
- Đa dạng công cụ và hình thức quảng cáo
- Tiếp cận khách hàng tiềm năng nhanh chóng và sâu rộng
- Dễ dàng đo lường và đánh giá hiệu quả Marketing
Đặc biệt, tiếp thị kỹ thuật số có thể đem lại những kết quả ấn tượng về doanh thu cũng như độ nhận diện thương hiệu cho các sản phẩm có mức giá và kênh phân phối phù hợp với môi trường trực tuyến.
Chẳng hạn, một shop thời trang sẽ hưởng lợi từ việc sử dụng Social Media và SEO. Một tiệm cà phê hoặc nhà hàng sẽ không thể bỏ qua kênh Facebook, Instagram…
Dù vậy, vẫn còn nhiều yếu tố khác ảnh hưởng đến kết quả của hoạt động Marketing. Trong đó, có các yếu tố mà Digital Marketing không tác động được như sản phẩm, giá cả, kênh phân phối… Do đó, bạn cần cân nhắc kỹ lưỡng việc sử dụng dịch vụ Digital Marketing như thế nào để đem lại hiệu quả tốt nhất cho doanh nghiệp.
Digital Marketing chỉ phù hợp với doanh nghiệp lớn
Nhiều chủ doanh nghiệp nhỏ vẫn cho rằng làm Marketing là “đốt tiền” và các hoạt động Marketing (bao gồm Digital Marketing) chỉ phù hợp với doanh nghiệp lớn. Tuy nhiên, trên thực tế, Digital Marketing đang cung cấp các công cụ sẵn có để doanh nghiệp nhỏ đa dạng hóa phương thức quảng bá và bán hàng. Cụ thể, Digital Marketing mở ra cơ hội để doanh nghiệp:
- Giao tiếp và tương tác với nhiều khách hàng. Ngay cả khi không đủ chi phí để xây dựng và vận hành Call Center.
- Bán hàng trực tiếp cho khách hàng trên quy mô toàn cầu. Ngay cả khi không có cửa hàng thực tế.
- Nhận thông tin và dữ liệu phân tích chi tiết về sở thích mua hàng của khách hàng mục tiêu. Ngay cả khi không có công ty nghiên cứu tiếp thị lớn hỗ trợ.
Như vậy, có thể thấy dịch vụ Digital Marketing phù hợp cho tất cả các quy mô doanh nghiệp. Miễn là bạn làm đúng, nó sẽ đem lại những hiệu quả tích cực cho công ty.
Dịch vụ Digital Marketing là chạy quảng cáo Facebook, Google và làm SEO
Những khái niệm “chạy quảng cáo Facebook, Google” hay “làm SEO” phổ biến trong cộng đồng kinh doanh đến nỗi nhiều người lầm tưởng chúng đại diện cho Digital Marketing. Thực tế, đó chỉ là một phần nhỏ của Digital Marketing.
Như đã phân tích ở mục 2, Digital Marketing có cả khía cạnh Online lẫn Offline. Trong tương lai, các dịch vụ Digital Marketing sẽ còn đa dạng và phát triển hơn nữa. Khi càng có nhiều người dùng chuyển từ môi trường vật lý sang môi trường kỹ thuật số. Nhiều hình thức mới sẽ ra đời để tăng độ tiếp cận của doanh nghiệp với người dùng trên nhiều phương diện khác nhau.
Digital Marketing chỉ có thể thành công khi tạo được lượng Traffic vào website đủ lớn
Tất nhiên, một lượng lớn lưu lượng truy cập trang Web có thể đem về cho doanh nghiệp nhiều khách hàng tiềm năng hơn. Dù vậy, điều này không có nghĩa là bất kỳ khách truy cập trang Web nào đều cũng sẽ chuyển đổi thành khách hàng tiềm năng rồi trở thành khách hàng thực thụ.
Chìa khóa để dịch vụ Digital Marketing hiệu quả là chất lượng chứ không phải số lượng. Tức là thu hút đúng đối tượng có nhu cầu vào trang web của bạn.
Thử nghĩ mà xem, bạn sẽ có lợi thế hơn khi Website của bạn chỉ có 100 khách truy cập hàng tháng. Nhưng đa số họ lại chuyển đổi thành khách hàng thực thụ. Thay vì nhận được hàng nghìn lưu lượng truy cập mà không tạo ra bất cứ đồng lợi nhuận nào.
Do đó, Digital Marketing không chỉ “chăm chăm” vào lượng truy cập mà còn tập trung vào việc thu hút, nhắm mục tiêu vào khách truy cập đang tìm kiếm các sản phẩm và dịch vụ mà bạn cung cấp.
Digital Marketing không dành cho ngành B2B
Công ty bạn đang hoạt động theo mô hình B2B và bạn nghĩ rằng Digital Marketing sẽ không đem lại hiệu quả? Bạn cần ngừng lại một vài giây vì ý nghĩ này khá nguy hiểm đấy!
Đúng là dịch vụ Digital Marketing đem lại hiệu quả rõ rệt hơn ở mô hình B2C. Nhưng điều này không có nghĩa là nó sẽ hoàn toàn “chìm nghỉm” trong “địa phận” B2B. Hàng ngày vẫn có hàng trăm, hàng nghìn khách hàng B2B tìm kiếm những sản phẩm, dịch vụ cho công ty họ trên các nền tảng kĩ thuật số. Nếu đối thủ của bạn có trên đó còn bạn thì không. Bạn đã vô tình trao cơ hội tiếp cận khách hàng của mình cho đối thủ.
Digital Marketing chỉ là một phần nhỏ trong chiến lược kinh doanh của công ty
Nhiều doanh nghiệp vẫn chỉ coi Digital Marketing là một phần nhỏ không đáng kể trong chiến lược kinh doanh tổng thể của họ. Tuy nhiên, trái lại tư tưởng này, Digital Marketing phải là một phần tích hợp không thể thiếu trong chiến lược tiếp thị và kinh doanh tổng thể của công ty. Đó chính là “cánh cửa” giúp doanh nghiệp mở rộng và tiếp cận với khách hàng tiềm năng trực tuyến.
Khi số lượng người dùng trực tuyến ngày càng gia tăng. Các Website sẽ trở thành nơi giao lưu, tương tác chính của công ty với lượng khách hàng tiềm năng khổng lồ này. Digital Marketing sẽ hình thành “bộ mặt” doanh nghiệp trên nền tảng kĩ thuật số – nơi tạo ra sự khác biệt và truyền tải trực tiếp câu chuyện, tầm nhìn của doanh nghiệp đến với khách hàng.
Hy vọng bài viết đã giúp bạn loại bỏ những lầm tưởng về dịch vụ Digital Marketing. Hãy hiểu rõ doanh nghiệp của bạn. Và tận dụng lợi thế của Digital Marketing để có được những chiến lược kinh doanh, quảng bá hiệu quả nhất.